Nội soi dạ dày là gì? Những phương pháp nội soi mới nhất 2020
Nội soi dạ dày là kỹ thuật y khoa thường được chỉ định để kiểm tra các bệnh lý về đường tiêu hóa. Phương pháp này sẽ cung cấp cho bác sĩ những hình ảnh rõ nhất về các cơ quan dạ dày – tá tràng và mức độ tổn thương ở từng vị trí. Tuy nhiên, nhiều người bệnh vẫn còn lo ngại, đặt ra câu hỏi về tính an toàn và hiệu quả của kỹ thuật nội soi. Do đó, chuyên trang đã giúp bạn tìm hiểu và giải đáp những thắc mắc này trong bài viết sau đây.
Nội soi dạ dày là kỹ thuật gì?
Hiện nay, tỷ lệ người mắc các bệnh về đường tiêu hóa đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nguyên nhân chủ yếu là do lối sống thiếu khoa học và thói quen ăn uống kém vệ sinh. Để chẩn đoán những bệnh lý này, các bác sĩ thường yêu cầu người bệnh thực hiện thủ thuật nội soi dạ dày.
Vậy nội soi dạ dày là gì? Đây là kỹ thuật y khoa được thực hiện bằng cách đưa một thiết bị nội soi có gắn camera vào dạ dày – tá tràng qua đường mũi hoặc miệng để xác định mức độ tổn thương tại từng vị trí. Trong một số trường hợp cần thiết, các bác sĩ có thể kết hợp nội soi dạ dày với sinh thiết mô để xác định sự hiện diện của vi khuẩn Hp trong dạ dày.
Nội soi được xem là phương pháp phát hiện tổn thương chính xác và rõ ràng hơn so với chụp X – quang, với nhiều ưu điểm vượt trội:
- Xác định những rối loạn xoắn và co thắt ở dạ dày.
- Phát hiện vùng bị tổn thương, có hiện tượng viêm loét, teo đét hoặc phì đại ở dạ dày.
- Xác định các khối u bất thường ở dạ dày – tá tràng.
- Phát hiện sự có mặt của chủng vi khuẩn Hp trong dạ dày.
- Kiểm tra tình trạng trào ngược acid, sa niêm mạc vào thực quản hoặc tá tràng và thoát vị hoành.
- Ngoài ra, phương pháp nội soi dạ dày cũng được áp dụng với những trường hợp khẩn cấp, có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa để xác định vị trí bị chảy máu và cầm máu kịp thời.
Quy trình nội soi dạ dày bạn cần biết
Nhiều người bệnh băn khoăn đặt ra câu hỏi “nội soi dạ dày như thế nào mới là đúng cách và đảm bảo an toàn?”. Theo các chuyên gia, quy trình nội soi cần tuân thủ đúng 4 bước cơ bản sau đây:
- Bước 1: Thăm khám và đưa ra chẩn đoán lâm sàng, sau đó yêu cầu người bệnh tiến hành nội soi.
- Bước 2: Để chuẩn bị nội soi dạ dày, người bệnh sẽ phải thực hiện các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, chụp X – quang tim và phổi, siêu âm ổ bụng và điện tâm đồ.
- Bước 3: Các bác sĩ tiến hành gây mê hoặc gây tê, sau đó đưa trực tiếp ống nội soi vào thực quản và dạ dày thông qua miệng. Nếu dùng công nghệ cao – nội soi bằng viên nang thì có thể bỏ qua bước này.
- Bước 4: Phân tích hình ảnh và chỉ định phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp.
Việc nội soi dạ dày cần được tiến hành ở các cơ sở y tế uy tín, với đội ngũ y bác sĩ và kỹ thuật viên trình độ cao. Đồng thời tuân thủ đúng quy trình và các quy định về dụng cụ, thiết bị để đảm bảo tính an toàn cho người bệnh.
Ưu nhược điểm của các phương pháp nội soi mới nhất 2020
Nội soi dạ dày không phải là phương pháp chẩn đoán mới, tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ y khoa trong những năm gần đây, có rất nhiều kỹ thuật mới ra đời, mang tính an toàn và hiệu quả cao hơn. Mỗi thủ thuật đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Do đó, người bệnh cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ, cân nhắc tình trạng sức khỏe, nhu cầu và khả năng tài chính để đưa ra lựa chọn tốt nhất.
Dưới đây là 4 kỹ thuật nội soi dạ dày đang được nhiều người sử dụng nhất hiện nay.
Nội soi qua đường miệng
Đây là cách nội soi truyền thống được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ đưa trực tiếp một ống nội soi mềm vào miệng, qua cổ họng và đi xuống các cơ quan tiêu hóa như dạ dày, thực quản, ruột non. Trước khi thực hiện, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân súc miệng để làm sạch lượng dịch nhầy và thức ăn thừa tồn đọng trong cổ họng. Đồng thời xịt thuốc tê vào niêm mạc miệng để hạn chế cảm giác khó chịu trong quá trình thực hiện.
Ưu điểm:
- Dễ thực hiện và hầu hết các cơ sở y tế đều đủ điều kiện tiến hành.
- Độ chính xác cao và chi phí hợp lý, dao động trong khoảng 200.000 – 300.000 đồng tùy từng cơ sở.
- Dễ dàng kết hợp với kỹ thuật sinh thiết mô trong những trường hợp cần thiết.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sĩ xử lý những vấn đề bất thường như chảy máu dạ dày, Polyp dạ dày,…
Hạn chế:
- Gây đau đớn, khó chịu, cảm giác buồn nôn và hô hấp khó khăn trong quá trình thực hiện.
- Bệnh nhân có thể yêu cầu ngưng nội soi đột ngột trong quá trình thực hiện nếu có sức chịu đựng kém.
- Không thể đưa ống nội soi tới những vị trí hẹp và khuất ở đường tiêu hóa.
Nội soi dạ dày qua đường mũi
Phương pháp này có quy trình thực hiện tương tự như kỹ thuật nội soi qua đường miệng. Tuy nhiên cần sử dụng những thiết bị y tế có kích thước nhỏ và mềm hơn, tránh gây tổn thương niêm mạc. Trước khi thực hiện, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tê, xịt trực tiếp lên niêm mạc mũi để làm giảm cảm giác khó chịu. Sau đó, luồn ống nội soi qua mũi, cuống họng đến thực quản và dạ dày.
Ưu điểm:
- Kỹ thuật này ít gây đau đớn và hầu như không khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn như khi nội soi qua đường miệng.
- Quy trình kỹ thuật nội soi dạ dày đường mũi được thực hiện cũng tương đối đơn giản và nhanh chóng, cho kết quả khách quan, đảm bảo độ chính xác.
- Chi phí hợp lý, dao động trong khoảng 400.000 – 600.000 VNĐ.
Hạn chế:
- Chống chỉ định nội soi dạ dày đường mũi với những bệnh nhân mắc chứng hẹp khe mũi, Polyp mũi và các vấn đề về đường hô hấp.
- Nếu thực hiện nội soi qua đường mũi, các bác sĩ sẽ không thể thực hiện các thủ thuật ngoại khoa như cầm máu, thắt tĩnh mạch thực quản, tiểu phẫu cắt Polyp,… trong trường hợp cần thiết.
- Với những bệnh nhân có niêm mạc mũi mỏng, khi rút ống nội soi có thể va chạm gây xây xước và chảy máu.
Nội soi dạ dày gây mê
Đây là phương pháp phù hợp với những trường hợp có sức khỏe kém, không chịu được đau đớn và người cao tuổi. Các bác sĩ sẽ tiến hành gây mê toàn thân trước khi đưa ống nội soi vào dạ dày.
Ưu điểm:
- Không gây đau đớn và khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn.
- Vì được thực hiện khi người bệnh ở trạng thái gây mê, các bác sĩ có thể dễ dàng bơm phồng ống tiêu hóa, đưa dụng cụ nội soi vào những vùng niêm mạc hẹp và có nếp gấp.
- Dễ dàng thực hiện các thủ thuật ngoại khoa khi cần thiết.
Hạn chế:
- Phương pháp này không được áp dụng với những trẻ dưới 3 tuổi, người có các vấn đề về đường hô hấp như ngưng thở khi ngủ, suy hô hấp nặng,… Đồng thời người mắc bệnh tim, bị nghiện rượu, chất kích thích hoặc đang trong quá trình điều trị bằng thuốc MAOIs cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc gây mê.
- Chi phí cao hơn so với hai phương pháp kể trên, dao động trong khoảng 1.000.000 – 2.000.000 VNĐ.
- Tiềm ẩn nguy cơ dị ứng với thuốc gây mê, mất thời gian hồi tỉnh sau khi nội soi.
- Người bệnh có thể đối mặt với tình trạng đau thắt ngực, tăng Kali huyết nếu sức khỏe yếu.
Nội soi bằng viên nang
Đây là phương pháp nội soi mới và hiện đại nhất hiện nay. Thay vì sử dụng ống nội soi truyền thống, các bác sĩ sẽ sử dụng một chiếc camera nhỏ được bọc trong viên nang và đưa vào dạ dày qua đường miệng. Thiết bị này có thể ghi lại hình ảnh rõ nét, độ phân giải lên đến 102.400 pixels, sau đó sẽ được trực tiếp đào thải qua phân.
Ưu điểm:
- Độ an toàn cao, quy trình thực hiện đơn giản, không có xâm lấn và gây đau nhức, khó chịu cho người bệnh.
- Hình ảnh từ camera sẽ được truyền liên tục vào phần mềm chuyên dụng, giúp các bác sĩ quan sát được hết các vị trí trong dạ dày.
- Không có nguy cơ lây nhiễm chéo như khi sử dụng các thiết bị nội soi thông thường.
Hạn chế:
- Chi phí thực hiện cao hơn rất nhiều so với các kỹ thuật nội soi thông thường, dao động trong khoảng 10 – 15 triệu VNĐ.
- Không thể kết hợp sinh thiết mô và kiểm tra vi khuẩn Hp.
- Không phù hợp với những bệnh nhân mắc chứng khó nuốt, động kinh, người bị tắc ruột hoặc đang sử dụng máy trợ tim, trẻ em dưới 10 tuổi và những người đang trong thời kỳ thai nghén.
Một số câu hỏi về nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày không phải là phương pháp chẩn đoán mới, tuy nhiên nhiều người bệnh vẫn còn lo ngại và chưa tin tưởng vào kỹ thuật này. Do đó, chuyên trang đã giúp bạn tổng hợp những câu hỏi thường gặp về thủ thuật nội soi dạ dày và giải đáp từ chuyên gia.
Có đau và buồn nôn không?
Nhiều người bệnh cho rằng quá trình nội soi dạ dày rất đáng sợ và vô cùng đau đớn, khó chịu. Vậy điều này có thực sự đúng? Trên thực tế, việc đưa trực tiếp một thiết bị y tế vào dạ dày qua đường miệng chắc hẳn sẽ gây ra cảm giác buồn nôn và khó chịu nhất định. Tuy nhiên với những công cụ hiện đại ngày nay, người bệnh hoàn toàn có thể loại bỏ tình trạng này.
Thay vì sử dụng kỹ thuật nội soi truyền thống qua đường miệng, bạn có thể lựa chọn phương pháp gây mê, nội soi qua mũi hoặc dùng viên nang. Tuy nhiên, những phương pháp này thường đòi hỏi thiết bị hiện đại và chi phí cao hơn.
Xét nghiệm gì khi nội soi dạ dày?
Trước và trong khi nội soi dạ dày, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm sau đây để đảm bảo tính chính xác:
- Xét nghiệm chẩn đoán Hp: Các bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu mô nhỏ ở vùng niêm mạc bị viêm loét, bỏ vào lọ chứa thuốc thử Clo – test. Sau đó quan sát sự thay đổi về màu sắc của hóa chất để xác định sự hiện diện của vi khuẩn Hp.
- Xét nghiệm sinh thiết ung thư: Mẫu mô nhỏ trong dạ dày sẽ được các bác sĩ quan sát và phân tích dưới kính hiển vi để tìm ra tế bào ung thư nếu có.
- Điều trị bệnh liên quan: Trong quá trình nội soi, các bác sĩ có thể kết hợp thực hiện một số thủ thuật ngoại khoa để điều trị bệnh lý liên quan như xuất huyết đường tiêu hóa, tiểu phẫu cắt Polyp, nong thực quản,..
Quá trình nội soi diễn ra trong bao lâu, khi nào được nhận kết quả?
Quá trình nội soi dạ dày thực quản thường kéo dài trong khoảng 3 – 4 tiếng, bao gồm cả khoảng thời gian xét nghiệm và làm sạch ruột. Tuy nhiên nếu lựa chọn phương pháp nội soi gây mê, bệnh nhân sẽ được yêu cầu ở lại bệnh viện thêm 1 tiếng để nghỉ ngơi và đợi thuốc hết tác dụng hoàn toàn. Do đó người bệnh cần chủ động sắp xếp thời gian để không ảnh hưởng đến công việc hàng ngày.
Kết quả thường có ngay khi quá trình nội soi kết thúc. Tuy nhiên nếu thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn Hp, người bệnh có thể phải đợi thêm 1 – 2 tiếng đồng hồ. Đặc biệt nếu có xét nghiệm sinh thiết, bệnh nhân sẽ được nhận kết quả sau 1 – 2 tuần.
Đối tượng nên và không nên tiến hành nội soi dạ dày?
Nội soi dạ dày tá tràng là phương pháp chẩn đoán cho kết quả nhanh chóng và tương đối chính xác, tuy nhiên không phải ai cũng có thể tiến hành kỹ thuật này. Với mỗi trường hợp, các bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bệnh, xem xét kỹ lượng những vấn đề liên quan trước khi chỉ định nội soi.
Vậy có nên nội soi dạ dày không? Câu trả lời là có với những trường hợp sau đây:
- Người có biểu hiện đau tức ngực, đau vùng thượng vị, cảm giác buồn nôn, ợ hơi, đại tiện phân đen hoặc lẫn máu.
- Người bị viêm dạ dày nhẹ và mãn tính.
- Người có thói quen lạm dụng rượu bia, chất kích thích gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
- Người có người thân từng mắc các bệnh lý nguy hiểm như ung thư dạ dày,…
Những đối tượng không nên nội soi: Các bác sĩ có thể hoãn việc tiến hành nội soi trong những trường hợp sau đây.
- Bệnh nhân bị bỏng do từng uống phải axit.
- Xuất hiện tình trạng thủ dạ dày hay ở bất kỳ vị trí nào khác trong đường tiêu hóa.
- Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, suy hô hấp nặng và phình động mạch hay túi thoát vị của thực quản.
Khoảng bao lâu đi nội soi dạ dày là tốt nhất, các biến chứng thường gặp?
Nội soi dạ dày nhiều có tốt không là câu hỏi đang được rất nhiều người bệnh quan tâm. Thực tế, việc kiểm tra thường xuyên có thể giúp bạn phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thể trạng và nguy cơ mắc bệnh ở mỗi người không giống nhau, do đó tần suất nội soi cũng có sự khác biệt, cụ thể:
- Người bị viêm dạ dày mãn tính do nhiễm vi khuẩn Hp nhưng không có loạn sản thì cần tiến hành nội soi 3 năm/ lần.
Bệnh nhân gặp các vấn đề nghiêm trọng về đường tiêu hóa cần nội soi 3 – 6 tháng/ lần để theo dõi quá trình điều trị. - Người bị viêm dạ dày mãn tính nên thực hiện nội soi 6 tháng/ lần, nếu viêm nhiễm ở mức độ nhẹ, bạn có thể thực hiện thủ thuật này 3 năm/ lần.
Nội soi là thủ thuật y khoa cần thiết để kiểm tra tình trạng của dạ dày và các cơ quan khác trong hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định như:
- Gây đau họng, nôn và buồn nôn.
- Tổn thương niêm mạc và gây chảy máu mũi.
- Nếu bất cẩn, các thiết bị nội soi có thể gây rách thực quản, dạ dày hoặc tá tràng.
- Vùng ngực đau tức và xuất hiện tình trạng trào ngược dạ dày.
- Nhiễm trùng ở niêm mạc dạ dày hoặc sốc phản vệ.
- Một số ít trường hợp có biểu hiện tụt huyết áp và rối loạn nhịp tim.
Có thể thấy, rủi ro từ quá trình nội soi thường xảy ra với những trường hợp sử dụng kỹ thuật truyền thống. Nhờ thiết bị hiện đại, việc nội soi dạ dày bằng phương pháp mới như gây mê, sử dụng viên nang,.. đã khắc phục tối đa các hạn chế của kỹ thuật truyền thống. Tuy nhiên người bệnh cũng cần lưu ý lựa chọn các cơ sở uy tín, bác sĩ tay nghề cao để phòng ngừa rủi ro.
Những điều bạn cần lưu ý khi nội soi dạ dày không đau?
Theo kinh nghiệm nội soi dạ dày của nhiều người bệnh, để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất, từ trước đến sau khi tiến hành thủ thuật, bạn cần lưu ý:
- Chuẩn bị tâm lý vững vàng, chủ động tìm hiểu thông tin về phương pháp nội soi sắp thực hiện.
- Tuân thủ các nguyên tắc về chế độ ăn uống và sinh hoạt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Chia sẻ các thông tin quan trọng về tiền sử bệnh án, các loại thuốc đang sử dụng và kết quả lần nội soi gần nhất.
- Nếu sử dụng phương pháp gây mê, bạn nên chờ thuốc hết tác dụng hoàn toàn rồi mới vận động trở lại.
Nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán các bệnh lý về đường tiêu hóa có độ chính xác cao và phù hợp với nhiều đối tượng. Để đảm bảo an toàn, người bệnh cần chủ động tìm hiểu thông tin, lựa chọn những địa chỉ thăm khám uy tín để tiến hành nội soi.